Tiền tiểu đường là khi lượng đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa cao đến mức được coi là tiểu đường. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát kịp thời, tiền tiểu đường có thể tiến triển thành tiểu đường trong vòng 10 năm.
Các dấu hiệu của tiền tiểu đường
Thông thường, tiền tiểu đường không có dấu hiệu hay triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, bạn có thể dự đoán bệnh bằng cách quan sát các vùng da trên cổ, nách, khuỷu tay, đầu gối và khớp ngón tay. Nếu trên các vùng này xuất hiện một vùng da tối hoặc màu nâu, bạn hoàn toàn có quyền nghi ngờ mình đang có dấu hiệu tiền tiểu đường. Bên cạnh đó, bạn có thể xác định rõ hơn nữa nếu bạn có những triệu chứng sau đây:
- Khát nước nhiều
- Đi tiểu thường xuyên
- Mệt mỏi
- Nhìn mờ
Lúc này, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn quan tâm và muốn phòng chống bệnh tiểu đường sớm.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ tiền tiểu đường
Tiền sử gia đình: Theo nghiên cứu, những người có cha hoặc mẹ mắc bệnh tiểu đường sẽ có khoảng 10% nguy cơ mắc bệnh mắc bệnh tiểu đường. Nếu như cả cha lẫn mẹ đều bị tiểu đường thì tỷ lệ này tăng lên 30%.
Cân nặng: Những người bị béo phì thường có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn người bình thường. Chế độ ăn của những người bị béo phì thường rất giàu đường và chất béo bão hòa (mỡ động vật). Các chất béo này khi vào máu sẽ tích tụ bên trong các tế bào cơ, ngăn chặn các tế bào tiếp nhận insulin và gây ra hiện tượng kháng insulin. Khi insulin không được tiếp nhận, cơ thể không thể chuyển hóa đường thành năng lượng và khiến cho lượng đường trong máu tăng lên.
Lối sống ít vận động: Khi bạn vận động, cơ thể sẽ tiêu hao năng lượng nhiều hơn, đòi hỏi sử dụng glucose nhiều hơn và độ nhạy cảm đối với insulin của các tế bào cũng tăng lên (giúp insulin hoạt động tốt hơn). Tuy nhiên, do lối sống hiện đại và sự đầy đủ về mặt vật chất, con người ngày càng ít vận động hơn. Đây cũng chính là lý do mà ngày nay con người dễ mắc bệnh tiểu đường hơn cha ông ta ngày xưa.
Kích thước vòng eo: Những người có thân hình trái táo thường có nguy cơ bị mắc bệnh tiểu đường cao hơn người bình thường. Nguyên nhân là vì lượng mỡ tích tụ ở bụng có thể sinh ra những chất gây mất cân bằng insulin và glucose, gây ra bệnh.
Thiếu ngủ, stress: Sở dĩ như vậy là bởi khi bạn bị căng thẳng, trong cơ thể sẽ xuất hiện một loại kích thích tố gây mất cân bằng lượng glucose trong cơ thể. Lượng đường glucose trong máu cao chính là yếu tố trực tiếp gây cản trở đến sự lưu thông của cơ quan bài tiết (tiểu đường).
Ăn nhiều thịt đỏ: Những người thường xuyên ăn nhiều thịt đỏ (đặc biệt là thịt đã qua chế biến) có đến 51% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Nguyên nhân là do chất nitrate – một chất bảo quản thường được tìm thấy ở những sản phẩm thịt đỏ đã qua chế biến. Chất này khi vào cơ thể sẽ làm gia tăng nguy cơ đề kháng với insulin ở tế bào, vì thế làm tăng nguy cơ tiểu đường.
Sắc tộc: Theo một số nghiên cứu, những người có gốc ở Nam Phi, Mỹ Latinh, người da đỏ và Châu Á có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn những người thuộc chủng tộc khác.
Cách phòng chống tiền tiểu đường tiến triển thành tiểu đường
Nếu như bạn đã được chuẩn đoán tiền tiểu đường, bạn nên bắt đầu tiến hành những biện pháp ngăn ngừa tiểu đường càng sớm càng tốt. Các biện pháp bao gồm:
+ Giảm trọng lượng cơ thể:
Chỉ cần bạn giảm được 5% số cân nặng, bạn sẽ có thể làm giảm bớt nguy cơ tiểu đường tới 70%. Để giảm cân, bạn nên điều chỉnh lại chế độ ăn của mình (nhiều chất xơ, vitamin và ít chất béo) kết hợp cùng chế độ vận động hợp lý.
+ Tập thể dục thường xuyên:
Bạn nên dành ra 15 phút mỗi sáng và tối để tập thể dục. Bạn có thể chơi cầu lông, chạy bộ, bơi lội… hoặc bất cứ môn thể thao nào mình thích. Đối với những ai quá bận rộn, bạn có thể vận động bằng cách đơn giản: đi bộ bất cứ lúc nào có thể.
Thay vì ngồi một chỗ ở văn phòng trong suốt nhiều tiếng, bạn có thể đứng dậy đi lấy nước hoặc tập một số bài thể dục đơn giản. Nếu nhà bạn gần chỗ làm, thay vì đi xe máy, bạn có thể chuyển sang đi xe đạp hoặc đi bộ đến chỗ làm.
+ Nghỉ ngơi hợp lý:
Bạn nên kết hợp giữa làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Vào những ngày không phải đi làm, hãy dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn với gia đình. Bạn cũng không nên thức khuya để làm việc mà nên cố gắng đi ngủ sớm.
+ Thư giãn tinh thần, tránh căng thẳng quá mức:
Tập yoga hoặc ngồi thiền vào buổi sáng. Nếu bạn gặp phải vấn đề khó giải quyết, bạn không nên giữ trong lòng mà nên tìm người thân quen để tâm sự.
+ Chế độ ăn hợp lý:
Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ (ngũ cốc, rau củ, trái cây), giảm ăn thịt đỏ (vì thịt đỏ chứa nhiều cholesterol làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường) và giảm bớt chất béo động vật. Đặc biệt, bạn nên giảm các chất kích thích như rượu, bia, cà phê.
Bạn cũng nên tránh các thực phẩm chứa nhiều đường hóa học như bánh ngọt, kẹo, nước có ga, kem…nếu bạn không muốn lượng đường huyết tăng thêm. Uống nhiều nước vì nước giúp bạn thải độc cho cơ thể và cải thiện hệ thống tuần hoàn máu.
=>> CHẾ ĐỘ ĂN HỢP LÝ CHO NGƯỜI TIỂU ĐƯỜNG